Thông tin Gia Phả Tộc Nguyễn Văn Thạnh Mỹ
Có thể chia gia phả tộc ta làm 3 giai đoạn:
1-/ Giai đoạn 1: Từ khi bắt đầu lập đến năm 1947. Giai đoạn này bắt đầu từ khi mới lập gia phả cho đến năm 1947.
Đứng đầu là cụ tổ NGUYỄN VĂN BẢN xuống dưới là các đời con, cháu, chắc v.v… Theo hình chóp nón, mỗi đời ứng với mỗi hàng từ trên xuống, từ trái sang phải. Định tên người sống ghi bằng mực đỏ (son đỏ) họ tên người chết được đồ đen lại bằng mực xa (mực đen). Hằng năm gia phả chỉ đem xuống vào dịp chạp mả hoặc tế xuân (04/02/ ÂL). Trước khi lấy xuống phải khấn vái mới được lấy xuống. Mục đích là ghi thêm họ tên con cháu mới sinh hoặc đồ đen tên người đã chết (nếu có), gia phả được bảo quản trong hộp bằng gỗ tròn có nắp. Hộp này đặt trong một hộp gỗ chữ nhật có nắp có khóa, tất cả được đưa lên để giữa tranh ở nhà thờ.
Năm 1947 nhà thờ được trưng dụng làm nơi dạy “Bình dân học vụ” dạy dân quanh vùng vào buổi trưa. Sau khi lớp học giải tán đến chạp mả năm đó khi đem hòm gia phả xuống thì phát hiện gia phả bị mất (Gia phả lúc ấy viết trên cuộn vải phin trắng, mới viết được 1/3).
Vì phát hiện trể và không có bằng chứng cũng không bắt được kẻ đã lấy nên đã có nghi người lấy song không có bằng chứng để truy cứu.
2-/ Giai đoạn 2: Từ năm 1947 đến năm 1983. Sau khi mất các cụ làm lại căn cứ những đời còn lại làm tiếp các đời sau, cũng trên vải và hình thức như cũ. Chỉ có sau này bên cạnh chữ nho có chú thích tên bằng chữ quốc ngữ.
3-/ Giai đoạn 3: Từ năm 1983 đến nay. Nhận thấy con cháu ngày càng đông mà tập trung vào một cuộn vải thì rất khó tìm xem vã lại phải nối thêm khổ vải theo chiều ngang mới đủ chỗ viết. Vì vậy, HĐGT thống nhất chuyển qua trên giấy. Việc làm trên giấy được chia làm nhiều tập tùy số lượng con cháu. Hiện tại nhánh nhất một tập, nhánh nhì đông hơn gồm bốn tập cho bốn chi, nhánh ba một tập, nhánh tư chưa có mặc dù cách đây 3 năm một số con cháu nhánh tư lâu nay sống ở làng tây cũ gần xóm ông Cống nay thuộc Quế Mỹ, Quế Sơn mới tìm về. Làm trên giấy mỗi ông một trang, bên dưới ghi con. Chữ viết thì không dùng chữ nho nữa mà viết bằng chữ Việt, người chết thì đề (chết) ở bên cạnh, cách làm này cũng gặp trở ngại là ví dụ ông cha là A thì các con sẽ là A1, A2, A3,v.v…đến đời cháu sẽ là A1.1, A1.2,… hay A2, A3 cũng thế. Do đó càng về sau những con số đi kèm càng nhiều, khó cho việc lục tìm. Song cũng chưa có cách nào tốt hơn nên tạm như vậy.
(Ghi theo lời Ông Nguyễn Thế Phụ)